Huawei đã bước qua được sự "ghẻ lạnh" của Mỹ và thế giới?

15:30, 20/08/2019

(XHTT) - Là công ty đi đầu trong lĩnh vực 5G với đối thủ chính là Nokia và Erison nhưng Huawei vẫn được đánh giá cao hơn bởi có khả năng cung cấp công nghệ 5G nhanh và rẻ.

Huawei được ông Nhậm Chính Phi thành lập vào năm 1987 và hiện đang là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới. Là công ty đi đầu trong lĩnh vực 5G với đối thủ chính là Nokia và Erison nhưng Huawei vẫn được đánh giá cao hơn bởi có khả năng cung cấp công nghệ 5G nhanh và rẻ.

Những cáo buộc của Mỹ và sự “ghẻ lạnh” của thế giới

Sau thời kỳ phát triển vượt bậc mà giới tài chính đánh giá là bước nhảy vọt thần kỳ, khó khăn bắt đầu đến với Huawei. Mầm mống của mọi rắc rối bắt đầu từ năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã công bố một báo cáo sau cuộc điều tra kéo dài một năm và kết luận rằng Huawei đã gây ra mối đe dọa an ninh đối với Mỹ. Dù vậy, mãi đến tháng 1/2018, nhà mạng AT&T của Mỹ mới huỷ hợp đồng phân phối điện thoại Huawei. Tiếp đó, ngày 23/8 Chính phủ Australia tuyên bố cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng di động 5G đang được xây dựng của nước này. Lý do mà Australia đưa ra cho lệnh cấm này là mối lo an ninh quốc gia.

Ba tháng sau, tháng 11/2018, chính quyền New Zealand đã bác đề xuất sử dụng công nghệ 5G do Huawei cung cấp của hãng viễn thông Spark New Zealand. Và chỉ ngay tháng sau đó, ngày 1/12/2018, theo đề nghị của Washington, Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Canada và có thể bị dẫn độ sang Mỹ để đối mặt với các cáo buộc gian lận ngân hàng nhằm che đậy hoạt động kinh doanh của Huawei tại Iran. Sóng gió tiếp tục vây quanh Huawei ngay đầu năm 2019. Ngày 28/1/2019, trong một bản cáo trạng 13 trang, Bộ Tư pháp Mỹ nói Huawei đã lừa dối một ngân hàng quốc tế và cơ quan chức năng Mỹ về quan hệ giữa tập đoàn với các công ty con, Skycom Tech và Huawei Device USA, để tiến hành hoạt động kinh doanh tại Iran

Cơn sóng dữ không buông tha Huawei trong ngày 15/5/2019 khi sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Trump ký đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với công nghệ thông tin và viễn thông do nước ngoài thiết kế, phát triển, sản xuất hoặc cung ứng. Sắc lệnh cho rằng “các đối thủ nước ngoài ngày càng tạo ra và khai thác các điểm yếu về công nghệ cũng như dịch vụ thông tin và viễn thông”. Và mọi cánh cửa dường như đã đóng lại với hãng sản xuất smartphone đứng thứ 2 thế giới vào ngày17/5/2019. Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách cấm các công ty Mỹ giao dịch. Ngay sau đó, Google, Qualcomm, Intel… tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei.

Huawei vượt qua “sóng gió” từ lệnh cấm của Mỹ

Tuy nhiên, ngày 21/5/2019, Mỹ tháo dỡ 1 số hạn chế với Huawei trong thời hạn 90 ngày nhằm giảm các tác động không mong muốn. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết đã tiếp nhận khoảng 50 đơn xin cấp giấy phép để hợp tác, kinh doanh với Huawei và con số này có thể tăng thêm. Động thái này đã giúp Huawei lấy lại tinh thần khi công bố một số dòng điện thoại Honor mới tại Anh quốc. Và bất chấp lệnh cấm, doanh thu Huawei vẫn tăng trưởng. Đại gia viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies đã có những thông báo doanh thu nửa đầu năm tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 401,3 tỷ NDT (58,3 tỷ USD). Số smartphone bán ra cũng tăng 24% lên 118 triệu chiếc. Còn theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys, trong quý II, Huawei đã bán được 37,3 triệu thiết bị tại Trung Quốc, tăng 31% so với năm ngoái. Thị phần trong nước của họ cũng tăng 10% lên 38%, trong khi số liệu này của tất cả hãng smartphone hàng đầu khác đi xuống.

Mọi “sóng gió” dường như lắng xuống vào ngày 22/7/2019 bởi cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump với Tổng giám đốc (CEO) nhiều hãng công nghệ lớn của Mỹ để bàn về vấn đề thương mại và an ninh quốc gia, trong đó có chủ đề lệnh trừng phạt mà Washington áp lên hãng công nghệ Trung Quốc Huawei. Theo giới phân tích, chính quyền ông Trump đã đối mặt sức ép lớn từ các hãng công nghệ Mỹ vốn là đối tác lớn của Huawei. Hãng công nghệ Trung Quốc này là một trong những khách mua thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới. Việc tiếp tục bán được hàng cho Huawei giữ vai trò quan trọng đối với "vận mệnh" của các hãng sản xuất con chip Mỹ như Intel, Qualcomm và Broadcom.

Đáng chú ý, một số hãng chip Mỹ như Xilinx và Micron đã công khai việc nộp đơn xin được tiếp tục cung cấp cho Huawei, đồng thời kêu gọi Chính phủ Mỹ cấp phép. Các công ty này lập luận rằng nhiều sản phẩm của họ có thể dễ dàng mua được từ các hãng khác, nên lệnh cấm của chính quyền ông Trump đối với Huawei không hiệu quả mà chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ.

Một năm sau “giông bão”

Trước những lập luận chính đáng đó, ngày 11/8/2019, Huawei tung sản phẩm đầu tiên là bộ đôi tivi  thông minh Honor Vision và Honor Vision Pro  dùng hệ điều hành Harmony OS do hãng tự phát triển. Đây là một cố gắng của Huawei để giảm phụ thuộc vào hệ điều hành Android của Google cũng như thể hiện biện pháp đối phó nếu bị cấm hoàn toàn giao dịch với Google. Kết quả bước đầu, ngày 19/8/2019, Mỹ tiếp tục gia hạn thêm cho Huawei 90 ngày. Điều này cho phép Huawei tiếp tục mua công nghệ từ Mỹ, duy trì các ứng dụng hiện có và cung cấp các bản cập nhật phần mềm cho thiết bị di động chạy hệ điều hành Android.

Đợt gia hạn này kéo dài 90 ngày, bắt đầu từ ngày 19/8 và kéo dài đến ngày 19/11, theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Tuy nhiên, theo tin từ Reuters, Bộ Thương mại Mỹ cũng bổ sung thêm hàng chục công ty con của Huawei vào "danh sách đen". Dù vậy, giá cổ phiếu của các hãng sản xuất con chip Mỹ vốn là nhà cung cấp của Huawei, như Qualcomm, Intel và Micron, đồng loạt tăng sau quyết định trên. Trong một tuyên bố, Huawei nói sự gia hạn của Mỹ "không làm thay đổi sự thật rằng Huawei bị đối xử bất công. Quyết định ngày hôm nay sẽ không có tác động lớn nào đến hoạt động kinh doanh của Huawei theo bất kỳ chiều hướng nào".

 

Hoàng Thanh

.
1