3 xu hướng công nghệ trên smartphone lớn nhất năm 2019

08:50, 16/01/2020

(XHTT) - Một năm là quãng thời gian dài để những đổi mới trong ngành công nghiệp smartphone trở thành xu hướng trong năm 2019. Nhưng dưới đây là ba xu hướng công nghệ tiêu biểu nhất trên smartphone trong năm.


1. Cảm biến vân tay trong màn hình
Công nghệ vân tay trong màn hình lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2018 và chỉ có sẵn trên một vài thiết bị như OnePlus 6T và Huawei Mate 20 Pro. Tuy nhiên năm 2019, cảm biến vân tay trong màn hình trên smartphone đã trở thành phổ biến và gần như là tiêu chuẩn trên smartphone. 


Trong năm 2019, mọi flagship khi ra mắt đều đi kèm với công nghệ cảm biến vân tay trong màn hình tiên tiến này, cũng như rất nhiều smartphone có giá thấp hơn ở phân khúc cận cao cấp và cả các máy tầm trung. Galaxy Note 9 chiếc điện thoại cao cấp nhất của Samsung ra mắt năm 2018 có giá khởi điểm 22,9 triệu đồng vẫn sử dụng cảm biến vân tay vật lý truyền thống ở mặt sau, nhưng một năm sau đó chiếc smartphone Realme X2 tầm trung có giá khởi điểm khoảng 5 triệu đồng đã được trang bị công nghệ cảm biến vân tay trong màn hình, đó thực sự là những bước tiến công nghệ vượt bậc.


Hiện tại có hai công nghệ cảm biến vân tay trong màn hình đang được các nhả sản xuất điện thoại sử dụng, đó là công nghệ quang học và siêu âm, tuy nhiên để các công nghệ này hoạt động tốt và ổn định như cảm biến vân tay vật lý thì không hề đơn giản. Thực tế kể cả các mẫu smartphone cao cấp ra mắt năm 2019 như OnePlus 7T Pro, Galaxy Note 10 … thì công nghệ cảm biến vân tay trong màn hình không phải lúc nào cũng làm việc tốt như người dùng mong đợi. 


Nokia 9 PureView là một trong những thiết bị có cảm biến vân tay trong màn hình tiên tiến nhưng làm việc không ổn định và đôi khi gây khó chịu cho người dùng, nhưng sau đó nhà sản xuất đã tung ra bản cập nhật phần mềm để sửa lỗi này. Riêng Apple và Google sau khi bỏ cảm biến vân tay vật lý đều đã chuyển sang sử dụng phương pháp nhận dạng khuôn mặt mới, với những hạn chế của công nghệ cảm biến vân tay trong màn hình, xu hướng bảo mật nhận dạng khuôn mặt có thể sẽ rất ngắn ngủi.


2. Camera đục lỗ và thò thụt
Không nghi ngờ gì về việc “notch” đã mở ra cuộc chạy đua mới với công nghệ màn hình tràn viền, tuy nhiên ngoài những ưu điểm thì màn hình tai thỏ còn nhận được nhiều lời chê do kích thước lớn, chiếm dụng màn hình nhiều làm giảm trải nghiệm trong quá trình sử dụng. Dù vậy “notch” vẫn là tính năng rất quan trọng mà các nhà sản xuất smartphone phải trải qua, vì đây chính là khởi đầu cho những giải pháp thay thế tốt hơn sang năm 2019.


Samsung ban đầu không tham gia cuộc đua smartphone màn hình thiết kế tai thỏ cổ điển, nhưng dựa vào đó để sáng tạo ra các lựa chọn thay thế ấn tượng hơn. Điển hình là hai công nghệ màn hình mà công ty Hàn Quốc đang sử dụng trên các thiết bị của mình là màn hình Infinity-O và Infinity-U.

Với dòng Galaxy S10, lần đầu tiên chúng ta đã thấy màn hình đục lỗ Infinity-O. Thực tế thì màn hình đục lỗ để bố trí camera selfie lần đầu tiên xuất hiện trên chiếc Honor View 20 và Honor Nova 4 năm 2018, nhưng dòng Galaxy S cao cấp của Samsung có lẽ đã khởi đầu xu hướng mà nhiều nhà sản xuất smartphone khác sau này cũng đã bắt kịp.


Năm 2019 còn chứng kiến xu hướng thiết kế camera selfie dạng thò thụt. Vivo NEX là thiết bị đầu tiên sử dụng thiết kế mới lạ này khi ra mắt vào mùa hè năm 2018, nhưng công nghệ này thực sự phổ biến hơn và trở thành xu hướng khi bước sang năm 2019. OnePlus sử dụng thiết kế camera thò thụt cho chiếc OnePlus 7 Pro đầu tiên, sau đó xu hướng camera bật lên phát triển với đủ hình dạng và kích cỡ, khác biệt và ấn tượng nhất vẫn phải kể đến camera selfie bật lên dạng vây cá mập trên điện thoại của Oppo. 


3. Số lượng camera tăng lên
Trở về quý 4 năm 2018, tất cả các smartphone cao cấp ra mắt thời điểm đó đều có camera kép và nó trở thành tiêu chuẩn, tiêu biểu như Galaxy Note 9 và iPhone XS. Riêng Google vẫn đứng ngoài xu thế với camera đơn khi ra mắt Pixel 3 và Pixel 3 XL.


Nhưng chỉ một năm sau đó các smartphone mới ra mắt với cụm camera kép đã không còn hợp với xu thế mới. Lúc này Google mới bắt kịp xu hướng camera kép với chiếc Pixel 4 và Pixel 4 XL, nhưng các nhà sản xuất smartphone khác đã tham gia vào cuộc “chạy đua vũ trang” để có nhiều ống kính hơn, nhiều megapixel hơn và nhiều tính năng camera hơn.


Thiết kế ba camera ở mặt sau ngay sau đó đã trở thành tiêu chuẩn trên smartphone, một số điện thoại mới thậm chí có tới 4 camera. Sau đó, Nokia 9 PureView gây sốc khi là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới sở hữu cụm 5 camera ở mặt sau. Nhưng đó không chỉ là số lượng cảm biến đang phát triển, mà cả cuộc đua megapixel cũng trở nên sôi động hơn.


Hồi đầu năm 2019, chúng ta đã thấy cảm biến camera IMX586 mới của Sony có độ phân giải lên tới 48MP, cảm biến này lần đầu tiên có mặt trên các smartphone như Honor View 20 và Xiaomi Mi 9. Hiện tại cảm biến này đã trở nên phổ biến trên các mẫu smartphone tầm trung trong năm.

Rất nhanh tới cuối năm 2019, Samsung đã trình làng cảm biến Isocell HMX Bright cực khủng lên tới 108 megapixel và Xiaomi Mi Note 10 là chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới đi kèm cảm biến này. Đó là những bước nhảy vọt từ cảm biến tiêu chuẩn 12 megapixel đã tồn tại từ nhiều năm trước đó.


Xu hướng phát triển của camera trên smartphone tiếp theo sẽ là gì? Chúng ta đã thấy camera Macro và Penta, nhưng liệu đó có phải là tương lai không, chỉ có thời gian mới trả lời được. 
 

Hoàng Thanh


.
1