Nghiên cứu mới cho thấy quá trình lên men vi sinh chất xơ trong ruột giúp chống lại bệnh dị ứng da

16:50, 07/07/2022

Một nghiên cứu của Đại học Monash về mối liên hệ giữa da và ruột đã phát hiện ra quá trình lên men vi sinh của chất xơ trong ruột có thể bảo vệ chống lại bệnh dị ứng da. Nghiên cứu này có thể dẫn đến các phương pháp điều trị mới nhất để ngăn ngừa hoặc chữa trị các bệnh dị ứng.

Giáo sư Ben Marsland từ khoa Miễn dịch của Trường Lâm sàng Trung ương, cùng với các cộng sự người Thụy Sĩ tại Bệnh viện Đại học Lausanne (CHUV) chỉ ra rằng, quá trình lên men chất xơ trong ruột tạo ra bởi vi khuẩn và theo sau là các chuỗi ngắn axit béo (SCFAs), đặc biệt là butyrate, đã góp phần bảo vệ chống lại bệnh viêm da dị ứng ở chuột. Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Immunology Mucosal.

Mặc dù đã có nhiều tài liệu chứng minh rằng hệ vi sinh đường ruột có chức năng định hình hệ thống miễn dịch, nhưng ảnh hưởng của nó đối với da vẫn còn ít được biết đến.

 

“Quá trình nghiên cứu trước đây của chúng tôi và các nhóm nghiên cứu khác thường tập trung vào các lợi ích sức khỏe của SCFA trong ruột cũng như ở các vị trí xa như phổi và hệ tim mạch. Việc liên quan tới các bệnh về da là phạm vi từ trước tới nay chưa được nghiên cứu.

"Mọi người thường cho rằng chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da, nhưng không có nhiều nghiên cứu khoa học đằng sau điều này”. Các nhà nghiên cứu đã cho chuột ăn một chế độ giàu chất xơ lên men hoặc cho chúng một chế độ dinh dưỡng giàu SCFA. Giáo sư Marsland nói: “Phương pháp điều trị này mang tới hiệu quả mạnh mẽ chống lại chứng viêm da dị ứng.”

Họ gắn nhãn butyrate (một loại axit béo chuỗi ngắn) bằng chất đồng vị và theo dõi nó trong cơ thể - chỉ mất vài phút để tạo ra tác động đến da, nơi xuất hiện sự tăng cường trao đổi chất của tế bào sừng, giúp tế bào tăng trưởng và tạo ra các thành phần cấu trúc quan trọng và thiết yếu cho một lớp bảo vệ da được khỏe mạnh.

“Kết quả sau cùng của việc này là giúp lớp màng bảo vệ da được củng cố chống lại các chất gây dị ứng, trong trường hợp này chúng tôi đang sử dụng các chất gây dị ứng do chất bụi nhà, là chất thường xuyên xâm nhập vào hàng rào da, kích hoạt hệ thống miễn dịch và bắt đầu có phản ứng dị ứng ở những mẫu này. SCFAs có thể được sử dụng bằng đường uống hoặc trực tiếp trên da như một loại kem không cần qua đường ruột, ông nói.

“Thực tế là việc các axit béo chuỗi ngắn được cung cấp kịp thời và dung nạp tốt sẽ mở ra khả năng phát triển các chiến lược phòng ngừa hoặc can thiệp điều trị bệnh trong tương lai.”

Một nội dung cần được nghiên cứu thêm là liệu điều này có thể giúp những trẻ em có nguy cơ thường xuyên bị dị ứng da dẫn đến dị ứng thực phẩm và hen suyễn (Atopic March) cải thiện tình trạng bệnh hay không.

 Giáo sư Marsland và các thành viên trong nhóm nghiên cứu của ông, có trụ sở tại Melbourne, đã tiến hành dự án trong 5 đến 6 năm cùng với các nhà khoa học tại Bệnh viện Đại học Lausanne, nơi ông từng làm việc trước khi làm việc tại Đại học Monash.

PV (Theo Aurélien Trompette)



.
1