Về thiết kế, Galaxy A20s có kiểu dáng tương đồng với người anh em Galaxy A20 trước đó. Máy có toàn bộ phần vỏ được làm bằng chất liệu nhựa nguyên khối, mặt lưng vẫn là thiết kế nhựa bóng giả kính và Samsung gọi là 3D Glasstic.
Nhưng mặt lưng trên chiếc Galaxy A20s được làm cong nhiều hơn ở các cạnh và được Samsung tinh chỉnh để phản chiếu nhiều ánh sáng hơn, làm cho hiệu ứng chuyển màu khi thay đổi góc nhìn trở nên rõ nét và bắt mắt hơn. Cần lưu ý rằng việc sử dụng chất liệu nhựa sẽ rất dễ làm mặt lưng Galaxy A20s bị xước trong quá trình sử dụng.
Tiếc nhất là việc Samsung không tặng kèm ốp lưng nhựa để hạn chế điều này, điều mà hầu hết smartphone Trung Quốc đều làm, vì vậy người dùng sẽ phải mua ở bên ngoài. Máy có kích thước tương đối lớn với màn hình lên tới 6,5 inch nên việc sử dụng bằng một tay với những người dùng có bàn tay nhỏ sẽ gặp chút khó khăn.
Samsung Galaxy A20s vẫn có giắc cắm tai nghe 3.5mm, cổng kết nối USB-C, sử dụng khay sim truyền thống của Samsung, hỗ trợ hai sim nano và một thẻ microSD tối đa lên tới 1TB riêng.
Nếu như trên Galaxy A20 được Samsung ưu ái trang bị màn hình với tấm nền AMOLED vốn là điểm mạnh so với các đối thủ trong cùng phân khúc giá, trên Galaxy A20s nhà sản xuất lại loại bỏ tấm nền hiển thị chất lượng này và thay thế bằng tấm nền IPS LCD phổ biến, giá rẻ với độ phân giải HD+.
Tuy nhiên tấm nền IPS LCD được sử dụng trên Galaxy A20s lại do Samsung sản xuất riêng, do đó nó vẫn có độ sáng cao, độ tương phản tốt, màu sắc đã được hiệu chỉnh dù không đẹp và nịnh mắt như tấm nền AMOLED nhưng vẫn khá gần với thực tế. Tuy nhiên nó vẫn có nhược điểm đó là màu đen không sâu, tiêu thụ nhiều năng lượng nhiều và quan trọng hơn là tính năng Always-on Display của Samsung cũng không còn nữa.
So với nhiều đối thủ trong phân khúc giá, Galaxy A20s có màn hình khá lớn lên tới 6,5 inch, nhưng độ phân giải HD+ là tương đương các đối thủ và dù hiển thị hình ảnh không sắc nét tuy nhiên nó vẫn đủ tốt cho người dùng thích một chiếc điện thoại giá rẻ có màn hình lớn để đọc báo, chơi game và xem youtube thông thường.
Trong khi màn hình Galaxy A20s không quá kém thì hiệu năng của chiếc smartphone này lại bị Samsung cắt giảm không thương tiếc. Máy không còn sử dụng bộ vi xử lý Exynos 7884 của Samsung như trên Galaxy A20 mà chuyển sang bộ xử lý Snapdragon 450 của Qualcomm. Máy có RAM 3GB và bộ nhớ trong 32GB, nhưng nếu có nhu cầu người dùng có thể chọn phiên bản có RAM 4GB và bộ nhớ trong 64GB.
Trên thực tế nếu so sánh cấu hình phần cứng của Galaxy A20s ở trên so với các smartphone Trung Quốc trong cùng phân khúc giá thì điện thoại của Samsung không “có cửa” để cạnh tranh. Với những ai quan tâm đến điểm số thì Galaxy A20s bản RAM 3GB chỉ ghi được hơn 72 nghìn điểm hiệu năng tổng thể bằng Antutu benchmark (bản RAM 4GB + ROM 64GB cũng chỉ ghi được hơn 81 nghìn điểm).
So với các đối thủ trong phân khúc giá, thậm chí thấp hơn như Xiaomi Mi A3 (RAM 4GB+ROM 64GB) và Realme 3 (RAM 4GB+ ROM 64GB) đều ghi được trên 180 nghìn điểm, một quảng cách quá xa so với điện thoại của Samsung.
Như vậy có thể khẳng định Samsung Galaxy A20s chỉ dành cho người dùng điện thoại với các chức năng cơ bản như nghe gọi, duyệt web, nghe nhạc, xem youtbue, sử dụng mạng xã hội hay chơi những game giải trí hạng nhẹ … không hơn. Chip đồ họa Adreno 506 trên A20s là không thể chơi các game đồ họa cao hay xử lý các nhiệm vụ đồ họa nặng.
Trái ngược với hiệu năng có phần “kém cỏi” thì camera lại là điểm sáng trên Galaxy A20s. Máy được Samsung bổ sung thêm camera đo chiều sâu trường ảnh nâng tổng số lên 3 camera ở mặt sau (trên A20 chỉ có 2 camera). Cụm camera của A20s gồm camera chính 13MP khẩu f/1.8, camera góc rộng 8MP khẩu f/2.2 và camera đo chiều sâu 5MP khẩu f/2.2.
Camera luôn là tính năng rất được Samsung quan tâm trên smartphone, do đó có thể đây chính là một trong những lý do Galaxy A20s phải “hy sinh” hiệu năng để đánh đổi và thực tế đã chứng minh là nó khá hiệu quả, bởi trải nghiệm camera trên máy là khá tốt.
Trong điều kiện ánh sáng tốt, ngoài trời hoặc trong nhà, ảnh chụp từ camera chính của Galaxy A20s có độ chi tiết ổn với dải động tốt, màu sắc có phần hơi nhạt so với thực tế và tổng thể chất lượng ảnh cũng chỉ ở mức trung bình, không hơn, phù hợp để chia sẻ với bạn bè trên mạng xã hội.
Như thường lệ, camera góc rộng trên Galaxy A20s giúp người dùng có được những bức ảnh thú vị với rất nhiều khung cảnh thu được. Nhưng nó có nhược điểm là chi tiết và màu sắc sẽ giảm đi đáng kể nếu chúng ta phóng to hình ảnh. Bên cạnh đó, dễ thấy nhất là sự biến dạng ở góc của hình ảnh, cong theo kiểu mắt cá.
Chế độ chụp chân dung hoặc Live Focus hoạt động tốt và phần mềm mang lại hiệu ứng xóa phông tự nhiên đối với những cảnh có phông nền không quá phức tạp. Camera selfie 8MP khẩu độ f/2.2 là đủ tốt cho nhu cầu chụp selfie, gọi điện thoại video … dù chế độ làm đẹp chưa thật sự tốt như mong đợi.
Chụp thiếu sáng là điểm yếu trên camera của Galaxy A20s, tốc độ lấy nét chậm, ảnh chụp nhiễu nhiều, màu sắc bệt và không thật sự hài lòng.
Về pin, Samsung vẫn giữ nguyên viên pin dung lượng 4.000 mAh trên A20 cho chiếc Galaxy A20s, do đó nó hoàn toàn đủ tốt để đảm bảo 1,5 ngày dùng với các nhu cầu cơ bản. Đi kèm theo máy là cục sạc nhanh Adaptive Fast Charging của Samsung với công suất 15W cũng là điểm cộng đáng chú ý của chiếc điện thoại này.
Nhìn chung với mức giá 4,4 triệu đồng, Galaxy A20s có thiết kế đẹp, màn hình lớn, camera tốt và thời lượng pin dài. Nhưng với những ai cần một chiếc điện thoại sử dụng thiên về hiệu năng thì chiếc điện thoại này không phải là lựa chọn phù hợp.