Xét về màn hình, Galaxy M20 và A30 có sự khác biệt thú vị. Cả hai đều có thiết kế màn hình giọt nước, viền màn hình mỏng với kích thước không khác nhau nhiều với 6,3 inch và 6,4 inch tương ứng, có chung độ phân giải Full HD+ và mật độ điểm ảnh thì gần như tương đương, do đó nếu xét về độ sắc nét thì sẽ tương đồng.
Khác biệt đáng chú ý là màn hình Galaxy M20 sử dụng tấm nền PLS LCD (thực tế thì đây loại tấm nền do Samsung sản xuất), trong khi đó Galaxy A30 được Samsung ưu ái hơn khi sử dụng tấm nền Super AMOLED vốn được đánh giá cao về màu sắc rực rỡ sống động, màu đen sâu và tiết kiệm điện năng.
Trong khi màn hình Galaxy M20 vẫn đảm bảo có độ sáng tối đa cao, góc nhìn rộng, màu sắc trung tính chứ không rực và nịnh mắt như trên màn hình A30. Nhưng cần lưu ý là màn hình cả hai máy đều bị phản chiếu, do đó khi dùng trời thì phải nhìn trực diện vào màn hình nếu không vẫn sẽ bị hiện tượng lóa và mờ, dù độ sáng tối đa.
Như vậy có thể nói Galaxy A30 chiếm ưu thế về chất lượng hiển thị nhờ sử dụng tấm nền Super AMOLED, kết hợp với màn hình lớn hơn một hút nên trải nghiệm mang lại sẽ tốt hơn, nhất là khi giải trí như xem phim hay chơi game.
Về phần cứng, điều thú vị là Galaxy M20 và Galaxy A30 là giống hệt nhau, cả hai đều được trang bị bộ vi xử lý Exynos 7904 vừa ra mắt hồi đầu năm. Vi xử lý này gồm 2 nhân tốc độ cao Cortex-A73 tốc độ 1.8GHz để thực hiện các tác vụ nặng và 6 nhân tiết kiệm điện Cortex-A53 tốc độ 1.6GHz thực hiện các tác vụ cơ bản, đi kèm với chip đồ họa Mali-G71 MP2.
Không chỉ dừng lại ở con chip, cả Galaxy M20 và Galaxy A30 đều có chung bộ nhớ RAM 3GB và bộ nhớ trong 32GB, hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ mở rộng microSD dung lượng tối đa 512GB. Chính vì vậy trong các bài benchmark quen thuộc như Antutu đánh giá hiệu năng tổng thể, cả hai đều ghi được hơn 108 nghìn điểm và sự chênh lệch là rất ít, không đáng kể.
Trong sử dụng thực tế, cấu hình trên là đủ để Galaxy M20 và A30 xử lý nhẹ nhàng và ổn định hầu hết các tác vụ cơ bản như lướt web, nghe nhạc, xem YouTube, sử dụng zalo, facebook, chụp ảnh … Tất nhiên với những người dùng phổ thông thì việc chơi các game giải trí cơ bản đều đáp ứng tốt. Nhưng với các game đòi hỏi nhiều sức mạnh xử lý đồ họa như PUBG Mobile hay Asphal 9 thì máy chơi giật với tốc độ khung hình thấp, khó chơi.
Có thể khẳng định, hiệu năng của hai thiết bị là tương đồng, không có sự khác biệt đáng kể, đủ cho nhu cầu sử dụng thông thường và không phải là lựa chọn phù hợp với người dùng thích chơi game, đặc biệt là các game nặng.
Tiếp theo là so sánh về camera, Samsung Galaxy M20 có cụm camera kép phía sau gồm camera chính độ phân giải 13MP, khẩu độ f/1.9 hỗ trợ lấy nét theo pha và camera 5MP góc rộng 120 độ, khẩu f/2.2 để chụp kiến trúc, phong cảnh. Ở phía trước, máy có camera 8MP khẩu độ f/2.0 hỗ trợ HDR để chụp selfie tốt hơn trong điều kiện ngược sáng.
Trên Galaxy A30 cũng là hệ thống camera kép như M20, nhưng camera chính độ phân giải cao hơn 16MP, khẩu độ cũng lớn hơn f/1.7 hỗ trợ lấy nét theo pha. Còn camera phụ là camera góc siêu rộng 5MP, tiêu cự cố định, khẩu độ f/2.2 thì giống hệt. Ở phía trước, A30 có camera selfie lên tới 16MP khẩu độ f/2.0 cũng hỗ trợ HDR để chụp selfie ngược sáng.
Mặc dù cả hai máy đều không được trang bị camera để đo chiều sâu, tuy nhiên hệ thống camera kép ở mặt sau, cũng như camera selfie ở mặt trước Galaxy M20 và A30 đều hỗ trợ chụp ảnh chân dung dựa vào phần mềm hay còn gọi Live Focus của Samsung. Phần mềm camera với các chế độ và thiết lập là tương tự nhau, đơn giản và dễ sử dụng.
Trải nghiệm thực tế khi chụp ảnh ở điều kiện đủ sáng, camera của Galaxy M20 và A30 đều cho chất lượng tốt với màu sắc tươi tắn, độ nét tốt và cân bằng sáng ổn giữa các vùng sáng tối. Nhưng tổng thể ảnh chụp từ camera A30 có màu sắc đậm hơn, nịnh mắt hơn, điều này có thể là do máy sử dụng màn hình Super AMOLED.
Ngoài ra chỉ camera của Galaxy A30 mới có công nghệ AI nhận diện cảnh chụp và tối ưu hóa tự động để tăng cường màu sắc cũng như chất lượng ảnh. Tuy nhiên màu sắc thường bị đẩy lên cao và thường đậm hơn thực tế nên nhìn không thật.
Với camera góc rộng 5MP, cả Galaxy M20 và A30 đều sẽ là những lựa chọn tốt khi cần chụp ảnh lấy trọn cả khung cảnh và chủ thể. Camera này phù hợp để chụp các công trình kiến trúc hay trong những không gian nhỏ hẹp. Nhưng cần lưu ý là chất lượng ảnh chụp thì không tốt như mong đợi, ảnh có màu sắc nhạt, chi tiết thấp, độ sáng không cao.
Về khả năng xóa phông, do có sự hỗ trợ từ AI nên khi chụp chân dung thì camera trên Galaxy A30 cho chất lượng tốt hơn, độ sắc nét và chi tiết cải thiện hơn, ảnh xóa ít lẹm hơn vào chủ thể so với camera trên M20 thực hiện.
Viên thời lượng pin, Galaxy M20 chiếm ưu thế lớn về dung lượng khi đi kèm viên pin 5.000 mAh, cao hơn so với mức 4.000 mAh mà Galaxy A30 đang sở hữu. Về thời gian sử dụng, cả hai máy đều có thể đáp ứng được 1 ngày nếu dùng nhiều và lên đến 2 ngày trên M20 nếu sử dụng trung bình. Cả hai máy đều hỗ trợ công nghệ sạc nhanh của Samsung với tốc độ sạc 15W (9V/1.67A).
Tuy nhiên Galaxy M20 do có viên pin lớn hơn nên cần tới hơn 2 giờ để sạc đầy, so với chỉ 1,6 giờ trên Galaxy A30 và điều này hoàn toàn là hợp lý.
So sánh về thiết kế có thể thấy, cả Galaxy M20 và A30 có kiểu dáng tương tự với các góc bo tròn, mặt lưng ôm cong nhẹ về các cạnh, cụm camera kép đều bố trí dọc và lệch về phía bên trái, ngay bên dưới là đèn flash LED và chính giữa là cảm biến vân tay, kể cả thiết kế mặt trước cũng tương đồng viền mỏng với kiểu giọt nước.
Mặc dù cả hai máy đều sử dụng chất liệu vỏ nhựa nguyên khối, nhưng mặt lưng nhựa trên Galaxy A30 được Samsung phủ một lớp sơn bóng sẽ phản chiếu ánh sáng lấp lánh, bắt mắt hơn. Ngoài ra vị trí các nút bấm, cổng kết nối, khe gắn thẻ SIM là giống hệt nhau.
Như vậy có thể nhận thấy Galaxy A30 sở hữu màn hình hiển thị tốt hơn, thiết kế đẹp hơn, camera chụp ảnh nhỉnh hơn một chút và với những thứ “hơn” đó nên máy có giá cao hơn khoảng 500 nghìn so với người anh em Galaxy M20 chỉ có viên pin lớn hơn là chiếm ưu thế hơn mà thôi.