VNPT được cấp phép thử nghiệm mạng 5G tại 457 vị trí
(XHTT) - Bộ TT&TT đã cấp phép cho các doanh nghiệp thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó mạng VinaPhone 5G của Tập đoàn VNPT được cấp phép thử nghiệm tại 457 điểm.
Trong năm 2022, Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục thử nghiệm các ứng dụng của 5G, đánh giá nhu cầu của thị trường và phương án kỹ thuật để xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả nhất khi được cấp phép chính thức. Hiện nay, 5G được triển khai phủ sóng dưới hình thức thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông.
![]() |
Trước đó, VNPT chính thức khai trương dịch vụ 5G VinaPhone tại môt số tỉnh thành phố. Mạng VinaPhone 5G trong giai đoạn thử nghiệm kỹ thuật đã đạt tốc độ hơn 2,2Gbps khi test trên thiết bị chuyên dụng. Trong môi trường phủ sóng thực tế, tốc độ VinaPhone 5G đã đạt tới 1Gbps, nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G và có độ trễ lý tưởng gần như bằng 0.
Như vậy tốc độ truy cập Internet trên VinaPhone 5G đã ngang với chuẩn 5G của thế giới. Không chỉ có thể tải nhanh các nội dung độc đáo có độ phân giải cao, VinaPhone 5G còn giúp khách hàng thực hiện các cuộc gọi video qua các ứng dụng như Messenger, Zalo…với chất lượng hình ảnh rất cao và kết nối thông suốt.
Được biết, mạng VinaPhone 5G đã được Tập đoàn VNPT chính thức phát sóng thương mại từ cuối tháng 11/2020 theo giấy phép thử nghiệm thương mại của Bộ TT-TT, với vùng phủ sóng bao trùm các khu vực trung tâm của TP. Hà nội và TP. Hồ Chí Minh, TP. Thủ Đức, tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Và từ tháng 4 vừa qua, mạng dịch vụ di động 5G VinaPhone chính thức phát sóng là tại TP.Bà Rịa và TP.Vũng Tàu.
Bên cạnh việc nghiên cứu ứng dụng tốc độ vượt trội của 5G trong các lĩnh vực giải trí, sản xuất kinh doanh, giao thông vận tải, y tế, giáo dục...VNPT cũng đánh giá khả năng khai thác 5G để phục vụ nhu cầu Internet của các hộ gia đình thay thế hệ thống cáp quang. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong việc đưa Internet đến vùng sâu vùng xa, khu vực khó khăn, góp phần tạo dựng nền tảng để thực hiện chuyển đổi số đến tận thôn, xóm, làng bản ở các vùng miền.
![]() |
Đại diện VNPT cho biết, mạng VinaPhone 5G sẽ không dừng lại ở việc cung cấp dữ liệu siêu tốc độ mà còn đem đến hệ sinh thái số cho người dùng và các nền tảng chính phủ điện tử, đô thị thông minh, góp phần khẳng định vai trò đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam và thể hiện trò tiên phong trong cung cấp các dịch vụ di động thế hệ mới tại Việt Nam.
Cũng về lĩnh vực viễn thông, tính đến tháng 6/2022, Bộ TT&TT đã cấp 03 giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ; 03 giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, 02 giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, trong đó có 02 DN viễn thông di động ảo (MVNO) có định hướng phát triển hệ sinh thái trong lĩnh vực thanh toán và du lịch.
Trong năm 2022, Bộ TT&TT khuyến khích các DN tiếp tục mở rộng phạm vi, quy mô thử nghiệm tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc phù hợp với kế hoạch phát triển 5G của mỗi DN.
Về phủ điểm lõm sóng băng rộng di động, theo Bộ TT&TT, mặc dù các DN đã và đang tích cực triển khai phủ điểm lõm sóng, tuy nhiên do gặp khó khăn bởi thời tiết mưa nhiều trong thời gian qua nên một số trạm đang triển khai đã bị chậm tiến độ. Theo báo cáo của các DN đến ngày 04/7/2022, các DN đang triển khai đồng bộ các trạm đến giai đoạn lắp đặt hạ tầng truyền dẫn, dự kiến đến 30/7/2022 sẽ phủ sóng được toàn bộ 661 thôn còn lại.
Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đến tháng 6/2022 ước tính chiếm 72% tăng 3 % so với tháng 01/2022, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021. Mục tiêu đạt 75% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang vào năm 2022 theo kế hoạch.
Số thuê bao băng rộng cố định đến tháng 6/2022 ước đạt 20,5 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 21 thuê bao/100 dân), tăng 4,4% so với tháng 1/2022, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đạt đến tháng 12/2022 đạt 22 thuê bao/100 dân.
Số thuê bao băng rộng di động đến tháng 6/2022 ước đạt 82 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 83 thuê bao/100 dân), tăng 9,3% so với tháng 01/2022, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đạt đến tháng 12/2022 đạt 85 thuê bao/100 dân.
Tính đến hết ngày 15/6/2022, số tên miền ".vn" đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 66.704 tên miền. Số lượng tên miền ".vn" lũy kế đạt 555.084 tên miền, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thống kê ghi nhận có 525.092 tên miền quốc tế đã được đăng ký và sử dụng tại Việt Nam theo danh sách tên miền quốc tế từ 51 nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam.
Doanh thu lĩnh vực viễn thông tính đến tháng 6/2022 là 12,77 nghìn tỷ đồng, tăng 9,34% so với cùng kỳ (10,71 nghìn tỷ đồng). Trong 6 tháng đã có, 97 DN được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông. Thuê bao điện thoại di động đang hoạt động là 125,20, tăng 1,52% so với cùng kỳ.
P.V